Từ 50 – 60 tuổi trở lên, sự thay đổi quan trọng của thể chất, tinh thần đến môi trường làm việc sẽ khiến cho người lớn tuổi trở nên thất thường và khó tính hơn rất nhiều. Điều này là rất bình thường nhưng nó có thể gây ra những phiền toái đối với các thành viên khác trong gia đình. Vậy đâu là nguyên nhân của sự thay đổi này?
Không phải người già nào cũng đột nhiên trở nên khó tính, nhưng đa phần đúng là như thế. Điều này có thể dễ dàng nhận thấy nếu bạn đã chung sống với họ trong một thời gian dài. Một số người già sẽ tự nhận ra sự thay đổi đó và chấp nhận sống chung với nó, cố gắng kiểm soát nó để duy trì tâm lý ổn định. Tuy nhiên, một số người lại không nhận ra điều này và trở nên khó chịu, thất thường hơn rất nhiều.
Nguyên nhân người già thường hay giận hờn và khó tính
Những nguyên nhân phổ biến khiến người cao tuổi hay hờn giận, khó chịu là bởi trong quá trình lão hóa tự nhiên, cơ thể họ bắt đầu có nhiều thay đổi về các hormone khiến tâm trạng bất an, dễ lo lắng, những cơ quan bắt đầu hoạt động chậm lại hoặc rối loạn như mắt kém đi, tai không còn nghe tốt như trước, răng đau, ăn uống kém ngon… Bên cạnh đó, sức khỏe tâm thần của họ cũng bị ảnh hưởng do chịu những thay đổi về mặt xã hội. Đầu tiên là việc chấm dứt quá trình lao động, cống hiến cho xã hội một cách chính thức. Đối với nhiều người, về hưu có thể là chuyện vui vì từ đây sẽ được nghỉ ngơi, vui vầy bên con cháu. Nhưng với một số khác, nó trở thành giai đoạn khủng khiếp khiến họ trở nên hụt hẫng về tinh thần. Ngoài ra, những thay đổi trong gia đình như con cái đi học xa, lập gia đình, những người thân yêu qua đời và các biến cố cuộc sống khác cũng sẽ tác động rất lớn đến tinh thần của người già, khiến họ dễ buồn phiền.

Một “đặc trưng” của người già là kỹ tính, xét nét. Điều này xuất phát từ việc họ suốt ngày ở nhà, cuộc sống bị bó hẹp nên dành nhiều thời gian suy nghĩ nhiều việc. Khi suy nghĩ quá nhiều, họ trở thành suy diễn và rất dễ tủi thân. Ngoài ra, sự khác biệt về thế hệ, suy nghĩ của lớp trẻ rất khác với suy nghĩ của người già cũng khiến họ dễ bất đồng. Điều này rất dễ nhìn thấy trong các gia đình có hai, ba thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà. Vì vậy, để người già “dễ tính” hơn, các thành viên trong gia đình cần ôn hòa, thoải mái, chia sẻ và yêu thương nhau nhiều hơn.
Bí quyết chăm sóc và giảm sự “khó tính” của người già
Đầu tiên là cần quan tâm đến chế độ ăn uống, điều trị bệnh tật, tuyệt đối không được bỏ bê người già. Mọi thành viên trong gia đình phải hết sức quan tâm đến các vấn đề tâm sinh lý của người lớn tuổi, không nên vì tham công tiếc việc mà ít quan tâm, lắng nghe, hỏi han và tâm sự với bố mẹ, ông bà.
Người già khá hoài cổ và rất thích sum họp gia đình, vì vậy con cháu nên thường xuyên về thăm, tổ chức những buổi họp mặt gia đình. Một bữa cơm ấm cúng có đủ con cháu quây quần xung quanh, mọi người hỏi han nhau, quan tâm nhau sẽ khiến cho người già cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc.

Tham khảo:
- Bệnh “nói nhảm” ở người già: Nguyên nhân, cách điều trị và phòng tránh
- Điểm danh 7 loại bệnh mà người già thường mắc
Ngoài ra, nên tạo môi trường sống thoải mái cho người cao tuổi, khuyến khích họ tập các môn dưỡng sinh, các thú vui như chăm cây cảnh, chơi cờ, đọc sách… sẽ khiến tâm tính ôn hòa, vui vẻ, rộng lượng, dễ chịu hơn.
Người già cũng chính là người thân trong gia đình chúng ta, đã từng chăm sóc chúng ta từ lúc bế ẵm cho đến khi thành người. Không nên vì những thay đổi tâm tính tuổi già của họ mà trở nên vô tâm, lạnh nhạt hoặc thậm chí bỏ bê những bậc cao niên trong gia đình mình. Điều này có thể gây tổn thương và khiến người cao tuổi cảm thấy không được xem trọng dẫn đến sự tức giận và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Hiếu thảo, kính trọng và yêu thương chính là 3 bài học quý nhất khi chăm sóc người lớn tuổi.